Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh
Phát biểu chỉ đạo phiên họp lần thứ 8 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, cải cách tư pháp đang được Đảng, Nhà nước và người dân quan tâm, tuy nhiên chuyển biến còn chậm, cần phải đẩy mạnh tiến độ thực hiện trong giai đoạn tới. Chủ tịch khẳng định mục tiêu hướng tới của việc tổ chức thẩm quyền xét xử là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh.
Đối chiếu yêu cầu của Chủ tịch nước đặt ra với thực tế vận hành của nền tư pháp sẽ thấy khoảng cách còn xa! Xin nêu ra đôi nét về sự bình đẳng trước pháp luật giữa người dân với chính quyền.
Theo TAND Tối cao thì hiện nay những vụ người dân kiện cán bộ công quyền về hành vi hành chính chỉ đếm trên đầu ngón tay, mặc dù người dân có câu truyền miệng “Hành chính có nghĩa hành dân là chính”! Tại sao người dân dù uất ức cũng không muốn đi kiện? Nhiều luật sư cho rằng, đó là do hiệu quả khởi kiện không cao, cho nên người dân có tâm lý “con kiến mà kiện cù khoai”!
Báo Pháp Luật TP HCM ngày 3-12-2012 có bài báo khá dài, tựa đề “Kiện quan: Thắng chưa chắc đã hết khổ!”, kể lại 3 vụ dân kiện chính quyền. Xin tóm lược: 1- Đầu năm 2008, Công ty JRD kiện Hải quan Phú Yên về quyết định thuế không đúng, TAND tỉnh Phú Yên bác đơn kiện. Công ty kháng cáo, năm 2010 TAND Tối cao xử phúc thẩm, hủy quyết định của Hải quan Phú Yên. Hải quan Phú Yên không thi hành án mà tìm cách đối phó, năm 2011 ban hành quyết định mới ấn định số tiền thuế y như quyết định cũ đã bị hủy! 2- Năm 1995 UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất của ông Lạp. Ông này khiếu nại, đến năm 2008 UBND tỉnh này mới ra quyết định bác đơn. Năm 2010 TAND Tối cao chấp nhận đơn kháng cáo hủy quyết định của Tòa án Khánh Hòa. UBND tỉnh này vẫn không chịu thực hiện bản án. Cuối cùng dù bị bác yêu cầu giám đốc thẩm, tỉnh Khánh Hòa vẫn phê duyệt quy hoạch y như cũ và UBND TP Nha Trang ra quyết định cưỡng chế gia đình ông Lạp! 3- Năm 2006 ông Trung khởi kiện UBND Q 12 TP HCM đền bù giá đất bị thu hồi không thỏa đáng, bị TAND Q 12 bác đơn. Năm 2010, TAND TP HCM xử phúc thẩm ông thắng kiện, nhưng UBND quận 12 không thi hành án, cho rằng TAND TP HCM xử sai, kháng nghị giám đốc thẩm! Cả 3 vụ án ở 3 địa phương cho thấy tòa án của chúng ta không thể độc lập xét xử, đặt pháp luật làm tối thượng. Tòa án địa phương xét xử theo ý của chính quyền địa phương; Các chính quyền địa phương coi thường cả quyết định của tòa án cấp trên. Việc xét xử kéo rất dài, từ 5 đến 15 năm, người theo kiện quá căng thẳng, mệt mỏi và tốn kém!
Trong số vụ kiện về “hành vi hành chính” rất hiếm hoi, có một vụ do TAND huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) xử UBND huyện Châu Đức thua kiện của người dân, ông Trương Chí Thạnh về giá đền bù 400m2 đất không thỏa đáng. Nếu trong vụ này, TAND huyện Châu Đức chỉ tuân theo luật pháp chứ không phải nhờ có sự bảo trợ của lãnh đạo cấp tỉnh, thì đây là một điển hình rất đáng nghiên cứu, rút ra những bài học quý để nhân rộng cả nước. Theo kinh nghiệm hằng trăm năm của các nền tư pháp ở các nước dân chủ thì muốn xây dựng được nền tư pháp trong sạch và vững mạnh, điều kiện cần đầu tiên là phải tạo cho nó môi trường hoạt động độc lập, chỉ tuân thủ pháp luật, không bị tác động bởi quyền lực .
Tống Văn Công
(viet-studies)
Bây giờ còn ngồi nói trong sạch và vững mạnh cho nền tư pháp nước nhà ? Chán mớ đời.